ĐA DẠNG VĂN HÓA LÀ NỀN TẢNG ĐỂ BẢO VỆ ĐA DẠNG SINH HỌC VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
1. Văn hóa và môi trường
Các khu vực có tầm quan trọng đặc biệt có thể được nhà nước chính thức công nhận vào hệ thống các khu rừng đặc dụng như Vườn Quốc Gia Tam Đảo, Vườn Quốc gia Cúc Phương, ... hay nằm ngoài hệ thống các khu rừng đặc dụng nhưng có ý nghĩa lớn về giá trị lịch sử, môi trường, cảnh quan văn hóa như Công Viên Thống Nhất, ...
Dù được chính thức công nhận hay không công nhận về mặt pháp lý thì bản chất các không gian và cảnh quan ấy là vốn quý, là báu vật, là di sản, là thiên đường, là điểm đến hấp dẫn của du khách và các nhà đầu tư dịch vụ, là niềm tự hào của dân tộc ta với bạn bè năm châu. Những nơi này đã và đang đóng góp một phần không nhỏ cho sự nghiệp phát triển bền vững nước nhà. Nguyên tắc đúng là mọi hoạt động nói chung và hoạt động đầu tư-dịch vụ nói riêng cần phải hiểu, tôn trọng, hài hòa, thân thiện và bảo vệ toàn vẹn không gian, cảnh quan ấy. Trước khi thẩm định các dự án khả thi và báo cáo đánh giá tác động môi trường cần phải công khai rộng rãi để lắng nghe và hiểu thấu ý kiến phản biện đa chiều của xã hội. Tất cả những ai không tuân thủ nguyên tắc trên mà trực tiếp hoặc gián tiếp làm xâm hại hay ảnh hưởng xấu đến những nơi ấy là có tội với đất nước, với nhân loại và sẽ bị thế hệ con cháu tương lai than trách và nguyền rủa.
Có mối quan hệ mật thiết, mối tình sâu đậm giữa các khu vực đặc biệt này với biết bao người, đặc biệt là người dân bản địa và địa phương trong suốt chiều dài lịch sử, tạo nên một liên kết vững chải cùng nhau đứng vững theo thời gian. Tất cả những giá trị vật chất và tinh thần do họ sáng tạo ra đã tạo nên những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc và riêng cho từng khu vực, vùng miền. Họ tin rằng mọi vật đều có linh hồn, nuôi dưỡng và bảo hộ cho họ. Các hoa văn trên tấm vải dệt, các bài hát,... và các lễ hội truyền thống đều thể hiện rõ nét đặc sắc này. Do vậy, họ hiểu rằng nếu mình phá rừng, hủy diệt cây cối, không bảo hộ các loài động vật, thực vật, làm ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí và cả đất đá tức mình đã làm hư nền tảng sự sống của chính mình. Nếu vậy tương lai mình cũng bị tiêu diệt. Mình tự tử một cách từ từ khi làm như vậy. Họ sống trong một không gian thênh thang, êm ả, yên bình, tự do với một đời sống bình an, đơn sơ, mộc mạc, bình dị, tình cảm, thật thà và mang đậm chất nhân văn.
Giá trị cuộc sống của họ ở chỗ họ hít thở không khí trong lành, không gian yên tĩnh, nghe chim hót, tiếp xúc với những điều kỳ diệu của cuộc sống xung quanh có tác dụng nuôi dưỡng và trị liệu thân tâm rất hiệu quả,.... Cuộc sống này đã đem lại được những gia đình hạnh phúc, những thôn làng yên vui, những khu phố văn minh không bị những tệ hại xã hội như tội phạm, bạo động, ma túy, băng đảng, cờ bạc và sắc dục xâm chiếm. Hơn thế nữa, giá trị văn hóa và tinh thần ấy đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ tốt tài nguyên đa dạng sinh học trong khu vực. Những cây xanh, những mảnh rừng vẫn còn đó như bà mẹ thiêng liêng họ cần được bảo vệ mãi mãi. Bản sắc này được luân lưu trong dòng máu của tất cả mọi người trong không gian văn hóa ấy. Đây thực chất là những di sản của đất nước và thế giới cho dù nó không được công nhận danh hiệu hay nằm trong hệ thống pháp lý.
Các khu vực này đã và đang đứng trước nhiều thách thức, đe dọa lớn trước các nguy cơ suy thoái và hủy diệt tài nguyên đa dạng văn hóa và đa dạng sinh học bởi nhiều áp lực đến từ bên ngoài như du khách, đầu tư phát triển dịch vụ, đặc biệt là việc tư duy, quy hoạch đầu tư của các nhà ra quyết định. Trong quá trình quy hoạch, thành lập, công nhận và quản lý các khu vực này, các giá trị trên không được nghiên cứu và hiểu một cách đầy đủ hoặc lờ đi. Cùng với các hoạt động không hài hòa và phù hợp, đặc biệt là sự du nhập, xâm hại bởi các luồng văn hóa ngoại lai đã làm cho mối tình thiêng liêng, mối giây liên kết vô hình và hữu hình giữa họ với các khu vực này bị cắt hay bị tổn thương một cách trầm trọng. Điều này dẫn đến sự không hiểu và tin tưởng lẫn nhau, tạo ra nhiều xung đột và cản trở cho việc phát triển mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, thủy chung son sắc giữa dân với Đảng và Nhà nước từ bao đời nay. Những người vốn là người bảo vệ tốt các khu vực này nay lại trở thành nạn nhân của quá trình phát triển không bền vững. Họ rất dễ bị tổn thương, dễ bị bên ngoài xúi dục, lợi dụng, như một tất yếu họ trở thành lâm tặc, kẻ môi dưới, phá rừng hay tay sai cho cho các hành động bạo động và hoạt động chống phá một cách cá nhân và tập thể. Bản sắc văn hóa, các đa dạng văn hóa này bị mất kéo theo đa dạng sinh học mất và ảnh hưởng nghiêm trọng không lường đến sự nghiệp phát triển không bền vững của đất nước và thế giới.
Hiện nay trong khi chúng ta đang nghiên cứu, cải tiến và hoàn thiện dần Luật, Chính sách, Nghị định, Thông tư hướng dẫn,... cho việc bảo vệ và quản lý tốt các khu vực nói trên, thiết nghĩ Nhà nước và Chính phủ cần quan tâm và thúc đẩy việc nhận diện, nghiên cứu một cách đầy đủ các giá trị tổng thể, đặc biệt là các giá trị tâm linh, văn hóa tinh thần, hệ thống kiến thức bản địa đã làm nên nền tảng hay các di sản ấy. Điều này không chỉ thực hiện đúng theo Agenda 21 mà còn thể hiện rõ quyết tâm chính trị của ta hợp với lòng dân, đúng với tinh thần dân là gốc và đảm bảo uy tín của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế để bảo vệ toàn vẹn các “di sản” hay không gian trên. Trong khi chúng ta chưa có các tiêu chí cụ thể và hướng dẫn rõ ràng cho việc đầu tư, hoạt động và quản lý hiệu qủa các khu vực này thì việc học tập, tham khảo và vận dụng cho phù hợp các tuyên bố và hướng dẫn quốc tế có liên quan là hết sức cần thiết và khẩn cấp. Ba trong các văn bản quan trọng nhất đó là:
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hướng dẫn của UNESCO/IUCN về bảo tồn và quản lý các khu vực tự nhiên linh thiêng (The UNESCO/IUCN Guidelines for the Conservation and Management of Sacred Natural Sites);
2. Công ước đa dạng sinh học Akwé: Hướng dẫn Kon cho việc đánh giá tác động Văn hóa, Môi trường và Xã hội liên quan đến Dự án Phát triển có ảnh hưởng khu vực thiêng liêng (The CBD Akwé: Kon Voluntary Guidelines for the Conduct of Cultural, Environmental and Social Impact Assessment Regarding Developments Proposed to Take Place on, or which are Likely to Impact on, Sacred Sites and on Lands and Waters Traditionally Occupied or Used by Indigenous and Local Communities);
3. Tuyên bố Yamato cho cách tiếp cận tổng hợp để bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (The Yamato Declaration on Integrated Approaches for Safeguarding Tangible and Intangible Cultural Heritage)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét