Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA LÝ THUYẾT TƯƠNG TÁC BIỂU TRƯNG

MỘT SỐ NỘI DUNG CHÍNH CỦA
THUYẾT TƯƠNG TÁC BIỂU TRƯNG
Một số nội dung chính của 'Lý thuyết tương tác biểu trưng' và một số vấn đề đặt ra đối với Công tác xã hội.
1/Khái niệm:
Tương tác biểu trưng là một phần của tương tác xã hội. Cho nên muốn hiểu về khái niệm lý thuyết tương tác biểu trưng chúng ta cần phải hiểu thế nào là tương tác xã hội. Tương tác xã hội là một hình thức thông tin và giao tiếp xã hội của ít nhất là hai chủ thể hành động. Trong quá trình tương tác này, sự tác động qua lại sẽ được thực hiện, đồng thời cũng diễn ra sự thích ứng của một hành động và một hành động khác.
Khái niệm lý thuyết tương tác biểu trưng là quan điểm cho rằng các cá nhân trong quá trình tương tác qua lại với nhau không phản ứng đối với các hành động trực tiếp của người khác mà đọc và lý giải chúng.
Theo khái niệm thì chúng ta luôn tìm được những ý nghĩa gán cho mỗi hành động cử chỉ đó tức là các biểu tượng. Chỉ khi chúng ta đặt mình vào vị trí của đối tượng tương tác, ta mới có thể hiểu hết ý nghĩa của những phát ngôn, những cử chỉ, hành động của họ. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ khi mà khả năng nhận thức và tư duy còn giản đơn nên để giao tiếp với trẻ chúng ta cần phải đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu chúng và lý giải được những suy nghĩ, hành động của trẻ.
Tất cả những vật thể, hình ảnh, hành động, cử chỉ xung quanh chúng ta có thể được con người gán cho những ý nghĩa và trở thành biểu tượng trong giao tiếp. Ví dụ khi cha mẹ không đồng ý với hành động của trẻ thì cha mẹ sẽ lắc đầu hoặc đồng ý thì sẽ gật đầu…
Lý thuyết tương tác biểu trưng cũng không bỏ qua hệ thống biểu tượng quan trọng bậc nhất trong quá trình tương tác giữa các cá nhân đó là ngôn ngữ nói và viết. Bởi quá trình tương tác rất phong phú và đa dạng các biểu tượng bằng gán cho không thể diễn đạt được hết những suy nghĩ, hành động của các đối tượng trong quá trình giao tiếp nên rất các biểu tượng quy ước như ngôn ngữ nói và viết.
2, Các quan điểm về lý thuyết tương tác biểu trưng
Lý thuyết tương tác biểu trưng có rất nhiều quan điểm khác nhau trong đó nổi bật lên là quan điểm của Herbert Blumer và Mead.
Theo Mead thì trẻ học cách tương tác với những người khác thông qua sự bắt chước và thấm nhuần một hệ thống chung các biểu tượng và cho phép có được sự thoả ước xã hội về ý nghĩa cho đến khi nào trẻ có thể hành động tương tác theo các vai trò khác nhau, thực hiện được sự đối thoại nội tại giữa cái tôi khách quan và cái tôi chủ quan, và quan hệ giữa các nhóm xã hội được xem như là : ”Sự khái quát, tổng hợp về những vấn đề khác ”.
Thông qua các biểu tượng, ý nghĩa hình thành, các cá nhân thường được xem là duy nhất vì họ có thể hình dung được hệ quả của các hình thức giao tiếp biểu tượng đối với những cá nhân khác.
Theo quan điểm của Herbert Blumer thì tương tác luận biểu trưng dựa trên ba luận đề sau :Thứ nhất: Con người hành động dựa trên cơ sở các ý nghĩa mà họ gán cho các đối tượng và sự kiện hơn là hành động nhằm phản ứng lại với những kích thích bên ngoài như các động lực xã hội hay với những kích thích bên trong như các bản năng. Do đó, tương tác luận biểu trưng phủ nhận cả quyết định luận sinh học lẫn quyết định luận mang tính thiết chế xã hội.Thứ hai, các ý nghĩa nảy sinh từ quá trình tương tác hơn là có ngay từ khi bắt đầu và định hình hành động tương lai. Các ý nghĩa được sáng tạo, cải biến, phát triển và thay đổi trong các tình huống tương tác hơn là được cố định và xác định trước. Trong quá trình tương tác, chủ thể không tuân thú một cách nô lệ các chuẩn mực được xác định trước. cũng không máy móc thực hiện các vai trò được thiết lập chính thức.
Thứ ba, các ý nghĩa là kết quả của những thủ tục lý giải mà các chủ thể thực hiện trong bối cảnh tương tác. Bằng việc đóng vai trò của người khác, chủ thể lý giải các ý nghĩa và ý định của người khác. Bằng cơ chế "tự tương tác", các cá nhân biến cải hoặc thay đổi các xác định của họ về tình huống, nhẩm lại các chuỗi hành động thay thế hay loại trừ nhau và cân nhắc những hậu quả khả dĩ. Như vậy, các ý nghĩa chỉ đạo hành động nảy sinh trong quá trình tương tác thông qua một chuỗi những thủ tục lý giải phức tạp.

Tóm lại Blumer nhấn mạnh rằng con người là những chủ thể tích cực, hành động trên cơ sở những ý nghĩa mà họ gán cho vào tương tác xã hội của họ. Đây là quá trình xã hội trong đó đời sống nhóm, nó tạo ra và xác nhận các quy tắc, chứ không phải các quy tắc tạo ra và xác nhận đời sống nhóm.
3. Một số khái niệm cơ bản của trường phái Tương tác biểu trưng.a, I, Me và Self:
Theo Mead, Self được cấu thành từ phần là I và Me. I là khía cạnh chủ quan, Me là khía cạnh khách quan. Trong việc thực hiện quá trình hành động, về mặt tinh thần, con người có 2 cách nhìn nhận, lựa chọn 1 trong 2 cái I và Me.
Hành vi của con người là kết quả của sự tác động bên trong và sự tương tác qua lại lẫn nhau giữa 2 thành phần của Self.
b, Biểu tượng:
Biểu tượng có nghĩa là lấy X để thay thế cho Y, nó có vai trò quan trọng và có những đặc trưng rất phức tạp:Những biểu tượng là những từ ngữ, hành động và những vật mà con người sử dụng trong những hoàn cảnh.Những biểu tượng được tạo ra tùy thuộc vào mục đích giao tiếp và thay thế.Những biểu tượng được sử dụng có chủ đích trong các tình huống.
Những biểu tượng không được ổn định, ý nghĩa phụ thuộc vào cách mà các nhóm đặc thù sử dụng chúng.
Vai trò của biểu tượng:
Biểu tượng là trọng tâm đối với tư duy con người, những biểu tượng cho phép chúng ta phân tích hoàn cảnh, xác định chúng, áp dụng những kinh nghiệm trong quá khứ vào hoàn cảnh mới, nghĩ tới hậu quả của hành động trước khi chúng ta hành động.
Những biểu tượng làm chúng ta học dễ dàng hơn, chúng cho phép chúng ta phân loại các kinh nghiệm và những điều chúng ta học được.Những nguyên tắc cơ bản của thuyết Tương tác biểu trưng:Loài người không như loài vật, được thiên phú cho khả năng tư duy. Khả năng tư duy được hình thành thông qua tương tác xã hội. Nguyên tắc này cho phép ta phân tích các quan hệ xã hội và bản chất tư duy con người.Trong tương tác xã hội, mọi người có thể học được các ý nghĩa và các biểu tượng cho phép họ thực hành khả năng tư duy riêng biệt.Các ý nghĩa và các biểu tượng cho phép mọi người thực hiện hành động và tương tác mang tính con người riêng biệt.Mọi người có khả năng biến đổi ít hay nhiều các ý nghĩa và các biểu tượng mà họ sử dụng trong hành động và tương tác trên cơ sở sự diễn dịch của họ về hoàn cảnh.Mọi người có thể thực hiện những bổ sung và thay đổi này bởi vì một phần nhờ khả năng tương tác với nhau của họ, cho phép họ kiểm nghiệm các dạng hành động khả dĩ, định giá các thuận lợi và bất lợi tương đối và đưa ra phương án lựa chọn hợp lí.
Chính mô hình hành động này được hòa trộn, đan xen vào nhau và tương tác đã tạo ra nhóm cũng như xã hội.
4, Kỹ năng phản hồi khai thác cảm xúc.
a/ Khái niệm.
Phản hồi là việc nói lại bằng từ ngữ của mình hoặc nhắc lại lời thân chủ một cách cô đọng hay làm sáng tỏ điều thân chủ cảm thấy và đạt được sự tán thành của thân chủ.Có thể nói phản hồi là việc nhân viên công tác xã hội tăng cường ý thức về những gì thân chủ làm và làm như thế nào. Về thực chất thì đó là quá trình tiếp nhận và truyền thông tin về hành vi.
b/ Ý nghĩa của kỹ năng phản hồi khai thác cảm xúc đối với CTXH.
Đối với thân chủ:Với kỹ năng phản hồi- khai thác cảm xúc sẽ giúp thân chủ cảm thấy có người đang lắng nghe mình, hiểu mình. Đồng thời với kỹ năng này thân chủ cảm thấy được khích lệ và giúp họ ý thức được điều họ vừa nói và có trách nhiệm với những lời nói đó. Bên cạnh đó trong quá trình tiếp nhận và truyền thông tin thân chủ nhận thấy mình được quý trọng từ đó sẽ có tâm trạng thoải mái trong việc bày tỏ vấn đề của mình với nhân viên công tác xã hội.
Đối với nhân viên công tác xã hội:Trong quá trình tiếp nhận và thu thập thông tin từ phía thân chủ với kỹ năng phản hồi – khai thác cảm xúc được vận dụng thì nhân viên công tác xã hội sẽ thấy được rằng mình hiểu vấn đề của thân chủ như vậy là không sai, không suy diễn so với những gì thân chủ vừa bày tỏ. Còn trong trường hợp nếu nhân viên công tác xã hội hiểu sai vấn đề của thân chủ thì sẽ được thân chủ giải thích, điều chỉnh một cách kịp thời. Phản hồi giúp thân chủ hiểu vấn đề của thân chủ sâu hơn, chính xác hơn. Mặt khác việc phản hồi trong giao tiếp giúp nhân viên công tác xã hội xây dựng được mối quan hệ trợ giúp cởi mở, tâm tình với thân chủ từ đó quá trình trị liệu, trợ giúp thân chủ sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
c/ Các loại phản hồi.
Có 3 loại phản hồi- khai thác cảm xúc đó là:
Phản hồi lặp lại câu nói của thân chủ (sự nhắc lại), phản hồi cảm xúc (phản hồi tâm tình) và phản hồi soi sáng.
Phản hồi lặp lại câu nói của thân chủ (hay còn gọi là sự nhắc lại):
Khi thân chủ gặp nhà công tác xã hội họ thường ở trong tâm trạng bối rối lo lắng nên những gì họ nói có thể vòng vo không theo một trật tự logic nào cả. Khi đó nhà công tác xã hội sử dụng phản hồi lặp lại nội dung mà thân chủ đã nói để tóm lược câu chuyện, sắp xếp lại những nội dung chính mà thân chủ đã nói.Nghĩa là nhân viên công tác xã hội sẽ chọn ra những chi tiết nội dung quan trọng nhất trong những điều thân chủ vừa nói rồi diễn đạt lại một cách rõ ràng hơn với ngôn ngữ của chính bản thân mình.Theo Kathenryn Genldard và Davi Genldard phản hồi lại nội dung giúp cho nhà công tác xã hội tiếp cân thân chủ mà không làm xao nhãng khía cạnh “Thân chủ trọng tâm” và có thể bắt đầu được câu chuyện.Với cách này thân chủ sẽ đối mặt được với điều chính yếu, với vấn đề chính mà họ vừa bộc lộ với nhân viên công tác xã hội. Mặt khác, thân chủ sẽ có cảm giác là người nhân viên công tác xã hội ngồi trước mặt họ đang lắng nghe những vấn đề mà họ gặp phải và thân chủ cũng ý thức đầy đủ hơn về những điều mà họ đã nói ra. Vì vậy loại phản hồi nhắc lại làm tăng sự chú ý của thân chủ vào những gì họ nói.
Tóm lại phản hồi nhắc lại những nội dung mà thân chủ đã nói giúp thân chủ bứt lên khám phá bản thân mình.
Phản hồi cảm xúc (phản hồi tâm tình):
Theo M.Daigneault thân chủ bày tỏ thường bắt đầu bằng các cảm xúc hay cảm giác và chính sự phản hồi cảm xúc giúp giải mã các vấn đề. Tuy nhiên, phản hồi cảm xúc thường không được trình bày rõ ràng. Vì vậy khi phản hồi cảm xúc nhà công tác xã hội phải tính tới những gì nhìn thấy, nghe thấy, đưa ra các kết luận hoặc giả thuyết từ một cảm xúc, một tình huống do thân chủ bộc lộ.Trong quá trình giao tiếp tiếp nhận thông tin phản hồi thì nhân viên công tác xã hội phải đặt tên cho loại cảm xúc, tình cảm đó và phản hồi lại điều đó theo cách mà làm cho thân chủ cảm thấy dễ chịu, phù hợp với sự diễn tả của thân chủ.
Nhân viên công tác xã hộicũng có thể phản hồi lại một cảm giác ngầm ẩn mà mình cảm thấy thông qua những dấu hiệu như: Sự lựa chọn từ, một tiếng thở dài… để làm được điều này nhân viên công tác xã hội phải quan sát các hành vi phi ngôn ngữ của thân chủ.Nhân viên công tác xã hội phải giúp thân chủ đối diện với những cảm giác tiêu cực và khó chịu bằng cách mà họ có thể thích nghi chứ không thể nào bỏ qua những cảm xúc tiêu cực của họ.
Phản hồi soi sáng:
Trong các hình thức phản hồi thì soi sáng vấn đề của thân chủ bằng cách lôi lên bề mặt ý thức những cảm nhận vô thức của thân chủ và làm sáng tỏ chúng là cách làm “cao cấp” hơn cả.Nếu nhân viên công tác xã hội có kinh nghiệm hay nhạy cảm sẽ điều chỉnh được mối quan tâm ngầm ẩn của thân chủ bằng cách soi sáng những dấu hiệu ngầm ẩn, gián tiếp bên trong. Có nghĩa là nhà công tác xã hội hóa giải tâm trạng ngầm ẩn của thân chủ, chuyển hoá những cảm xúc, sự cảm nhận ngầm ẩn đôi khi là vô thức thành lời nói. Hình thức phản hồi cảm xúc đạt đến tính chuyên nghiệp và phản hồi soi sáng được gọi là phản hồi thấu hiểu hay thấu hiểu.
d, Luyện kĩ năng phản hồi.
Trong kĩ năng phản hồi C.Rogers tập trung hướng dẫn cho người học biết cách mô tả những từ khoá nói lên tâm trạng của thân chủ mà người học cảm nhận được, sau đó phát biểu gián tiếp cảm nhận của thân chủ về thông điệp nói đến và phản hồi trực tiếp cảm xúc liên quan đề sự kiện đó, cuối cùng quan sát phản ứng của thân chủ để có sự phản hồi lại từ phía thân chủ
Trong khi đó M. Daignieault tập trung nói về sự phản hồi thấu hiểu của người trợ giúp. Theo ông có 5 cách phản hồi thấu hiểu khác nhau:+ Giúp thân chủ nhận thức lại cảm xúc mà thân chủ vừa bộc lộ. Để thân chủ tự do khám phá bản thân, nhân viên công tác xã hội cần giúp thân chủ nhận thức được cảm xúc của họ.+ Giúp thân chủ làm sáng tỏ nguyên nhân của sự trải nghiệm cảm xúc: Nhân viên công tác xã hội phản hồi tình cảm của thân chủ kèm theo nội dung gây ra tình cảm đó.
+ Lôi kéo thân chủ tập trung vào tình cảm ngầm của anh ta: Thông thường các thân chủ bày tỏ tình cảm của mình qua hình thức ngôn ngữ và phi ngôn ngữ trên bề mặt ngôn ngữ nên nhân viên công tác xã hội có thể lôi kéo anh ta tập trung vào tình cảm ngầm ẩn.
+ Động viên, an ủi thân chủ: Phản hồi tốt pahỉ tránh được các nhận xét mang tính đánh giá của nhà tham vấn và cần giúp thân chủ nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực.+ Đặt thân chủ vào trạng thái phá vỡ sự cân bằng: Khi thân chủ nhìn thấy mình được thông cảm, được hiểu họ thất được an ủi, nhưng đôi khi cũng có thể đặt thân chủ vào tình trạng phá xỡ sự cân bằng cố hữu, đẩy anh ta vào việc ý thức một cách có dụng ý khiêu khích bằng cách phản hồi quá lên so với thực tế, làm đậm hơn cảm xúc của thân chủ.
Kết luận.
Khi sử dụng kỹ năng phản hồi nhà công tác xã hội có thể dựa vào tình huống trợ giúp để sử dụng phản hồi nội dung, phản hồi cảm xúc hay phản hồi kết hợp.Các câu phản hồi cần phải diễn tả lại đúng những gì đang diễn ra nơi thân chủ, không kèm theo thái độ đánh giá.
Phản hồi tốt sẽ đem lại hiệu quả trong mối quan hệ trợ giúp với thân chủ.
(Nguồn: http://www.vnsocialwork.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét