Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

LÝ THUYẾT TƯƠNG TÁC BIỂU TƯỢNG

 

 

Lý thuyết tương tác biểu trưng (Symbolic Interactionism)

Với tư cách là một viễn tượng xã hội học riêng biệt, thuyết tương tác biểu trưng nổi lên từ truyền thống triết học dụng hành Mỹ. Cách tiếp cận này được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 trong các bài viết của Charles S. Pierce, William James và John Dewey (1859-1925). Các nhà tư tưởng này đã thách thức thế giới quan cơ học và những giả định nhị nguyên của thuyết duy lý cổ điển, vốn là triết học đã ngự trị tư tưởng Tây phương từ thế kỷ 17.
Triết học dụng hành (pragmatism) đi vào xã hội học hầu như là trực tiếp qua các bài viết và các bài giảng của Georg Herbert Mead, là người tìm cách biến những thức nhận của các nhà tư tưởng dụng hành thành một lý thuyết và phương pháp cho các khoa học xã hội. Khi làm như vậy, Mead đã tìm thấy nguồn cảm hứng lớn nhất của mình từ các công trình triết học của John Dewey, một người bạn và là đồng nghiệp của ông tại trường Đại học Chicago. Dựa trên những ý niệm rất có ảnh hưởng của Dewey, Mead phát triển một nghiên cứu xã hội học một cách sâu sắc về ý thức, sự ích kỷ và hành vi của con người – một nghiên cứu hiểu và giải thích những hiện tượng này như là những sản phẩm của các quá trình xã hội, đặc biệt là các quá trình tương tác và giao tiếp.
Mead đưa những lý thuyết có tính chất đột phá của mình về ý thức, tính tự kỷ và hành vi vào chung một giáo trình tâm lý học xã hội mà ông dùng để giảng tại Chicago – giáo trình dành cho các sinh viên đại học ngành xã hội học cũng như ngành triết học. Trong giáo trình này và trong cuốn sách nổi danh của Mead, Mind, Self, and Society/ Tâm thức, bản ngã và xã hội (1934), vốn được nảy sinh từ các ghi chép của học trò về những lời ông giảng, các lý thuyết của ông đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều sinh viên. Một trong những sinh viên ấy là Herbert Blumer, trở thành một nhà xã hội học kiệt xuất, là người đấu tranh cho những công lao và tính khả dụng của các lý thuyết của Mead đối với phân tích xã hội học. Vào cuối những năm 1960 Blumer tập hợp một số bài viết riêng của mình (sử dụng và bàn rộng thêm những ý niệm của Mead) thành một quyển sách có nhan đề Symbolic Interactionism/ Thuyết tương tác biểu trưng (1969). Quyển sách này sớm được thừa nhận như là phát ngôn chính cho viễn tượng thuyết tương tác biểu trưng.
Thoạt đầu, Blumer đặt ra thuật ngữ “thuyết tương tác biểu trưng” vào năm 1937 khi viết một tiểu luận về tâm lý học xã hội cho một quyển sách giáo khoa khoa học xã hội. Trong tiểu luận này Blumer nhấn mạnh đến việc công trình của Mead đã đưa ra cái cơ sở cho một tiếp cận tâm lý học xã hội mới, là tiếp cận đã tổng hợp và vượt lên những tiếp cận ngự trị đương thời: thuyết hành vi và lý thuyết tiến hóa, như thế nào. Blumer có nói đến điều này: tiếp cận mới như là “thuyết tương tác biểu trưng”. Vì điều này, Mead thường được coi là người sáng lập của viễn tượng thuyết tương tác biểu trưng (còn gọi là Trường phái Chicago trong xã hội học) cho dù phân tích của Blumer sử dụng một cách nặng nề những ý niệm của các nhà lý thuyết khác: Robert Park, W. I. Thomas, và Ernest Burgess, và theo một số nhà phê phán, những ý niệm ấy khác với các bài viết của Mead trên những phương diện quan trọng.
Trong khi nhận diện Mead như là nhà sáng lập ra thuyết tương tác, chính Blumer đã giữ vai trò là người đề xuất chủ chốt cho viễn tượng này. Cùng với một trong các đồng nghiệp của mình là Everett Hughes, ông có một sự ảnh hưởng quan trọng đến một nhóm sinh viên mà ông đào tạo tại trường Đại học Chicago vào những năm 1940 và đầu những năm 1950. Nhóm người này, gồm cả một số học giả trứ danh như: Howard Becker, Erving Goffman, và Anselm L. Strauss, đã phát triển hơn nữa viễn tượng thuyết tương tác biểu trưng và được biết đến là Trường phái Chicago thứ hai. Cũng như những người ủng hộ cho những viễn tượng trí tuệ khác với mức độ mến mộ và thâm niên nào đó, các nhà tương tác biểu trưng thường xuyên tranh luận về những niềm tin cốt lõi, những lý giải lý thuyết, và sự thích hợp của những phương pháp, những chủ đề hay những phong cách nghiên cứu có tính chất đặc thù. Cho dù những lĩnh vực của họ còn bất đồng ý kiến, nhưng các nhà tương tác luận vẫn chia sẻ những cách nhìn và những giả định chung nào đó. Trung tâm cho viễn tượng của họ là ba tiền đề được Blumer phát biểu sau đây: “Tiền đề thứ nhất là con người hành động hướng về những sự vật trên cơ sở của những nghĩa mà các sự vật ấy có đối với họ … Tiền đề thứ hai là nghĩa của những sự vật ấy được phái sinh từ, hay nảy sinh từ, sự tương tác xã hội của con người ta với những người đồng hội của mình. Tiền đề thứ ba là những nghĩa này được xử lý, và được thay đổi, trong một tiến trình lý giải của ai đó khi xử lý những sự vật mà mình gặp phải.” (1969: 2)
Trong khi những tiền đề này giữ vai trò như là một nguồn cảm hứng chung, các nhà tương tác luận luận chứng về việc làm thế nào để lý giải chúng một cách đúng đắn. Chẳng hạn, một số người nhấn mạnh rằng toàn bộ nghĩa được thương lượng trong sự tương tác và các cấu trúc xã hội thoạt đầu giữ vai trò là một phông nền cho sự tương tác này – tức là, các cấu trúc là cái gì đó mà người ta xét đến khi họ tạo ra, thương lượng và hành động theo những nghĩa trong những sự tương tác đang diễn ra ở họ. Những người khác lại ngả về một quan niệm cấu trúc luận hơn, nhấn mạnh rằng các cấu trúc xã hội lắng đọng lại thành sự tương tác, áp đặt những cưỡng chế lên sự sáng tạo và thương lượng về các nghĩa. Đoạn văn của Blumer có thể được hiểu là ủng hộ cho cả hai quan niệm trên. Vượt khỏi những hàm ý của đoạn văn này, những tranh luận sôi nổi diễn ra về những tiền giả định nào là không thể thiếu đối với phân tích tương tác luận biểu trưng về những chủ đề như: bản ngã, xúc cảm, tương tác, quyền lực, tổ chức, và hành động tập thể. Thế nhưng ngay cả khi trong khí nóng của sự tranh luận này, các nhà tương tác luận đều đồng ý với nhau về một điểm then chốt: ba tiền đề của Blumer đã cung cấp phần cốt lõi cho viễn tượng lý thuyết của họ.
Cho dù những tiền đề này giữ vai trò là những viên đá đặt nền cho viễn tượng thuyết tương tác, thì một số giả định mặc nhiên khác thấm nhuần và dẫn dắt viễn tượng này, bằng cách mang lại cho nó những nền tảng triết học.
Con người là những sinh vật có một không hai vì năng lực sử dụng các biểu trưng của mình. Khi rút ra những thức nhận của Mead, các nhà tương tác luận biểu trưng nhấn mạnh ý nghĩa của những năng lực biểu trưng của con người. Vì con người sử dụng và dựa vào những biểu trưng, nên thông thường họ không phản ứng lại sự kích thích theo một phương cách trực tiếp và tự động; thay vào đó, họ gán cho sự kích thích những nghĩa mà họ kinh nghiệm và sau đó hành động dựa theo những nghĩa này. Hành vi của họ vì thế là khác một cách rõ rệt với hành vi của những cơ thể sinh vật khác, là những cơ thể hành động theo một phương cách mang tính bản năng hơn hay phương cách dựa trên sự phản xạ. Như Blumer nhấn mạnh, những sự vật không tự mình mà có nghĩa. Đúng hơn, các nghĩa của sự vật phái sinh từ và xuất hiện thông qua sự tương tác xã hội. Con người biết được các sự vật có nghĩa gì khi họ tương tác với nhau. Khi làm như vậy, họ đặt nặng vào ngôn ngữ và các quá trình giao tiếp mà nó tạo điều kiện thuận lợi. Qua các quá trình này, con người học được cách làm thế nào để xác định và hành động hướng tới những đối tượng, những sự kiện, và những kinh nghiệm tạo thành môi trường của họ. Về thực chất, họ học cách để xem và phản ứng lại những thực tại được trung giới một cách biểu trưng – những thực tại được cấu tạo về mặt xã hội.
Con người trở nên người hơn qua việc họ tương tác với nhau. Các nhà tương tác luận biểu trưng cho rằng con người sở đắc những phẩm tính người rất riêng, và có thể có hành vi mang tính người rất riêng, chỉ qua việc họ liên đới với những người khác. Theo các nhà tương tác luận, những phẩm tính và những hành vi người có một không hai này bao gồm năng lực sử dụng những biểu trưng, tư duy và vạch ra những kế hoạch, đảm nhiệm vai trò của những người khác, phát triển một ý thức về bản ngã, và năng lực tham dự vào những hình thái phức tạp hơn của sự giao tiếp và sự tổ chức xã hội. Các nhà tương tác luận không tin rằng người ta sinh ra đã là người. Thay vào đó họ cho rằng con người ta phát triển thành những tồn tại mang tính người rất riêng khi họ tham gia vào sự tương tác xã hội. Trong khi thừa nhận rằng con người ta được sinh ra với những thứ “phần cứng” về sinh học (chẳng hạn như có một hệ thần kinh phát triển cao), là cái đã ban cho họ tiềm năng trở thành người hoàn toàn, thì các nhà tương tác luận nhấn mạnh rằng việc họ dính líu với xã hội là thiết yếu cho việc thực hiện hóa tiềm năng này.
Con người là những hữu thể có ý thức, biết tự-phản tư, và luôn chủ động định hướng hành vi của mình. Những năng lực quan trọng nhất mà con người phát triển qua việc họ dính líu với xã hội, hay sự tương tác xã hội, là “tâm thức” và “bản ngã”. Như Mead quan sát thấy, khi phát triển năng lực xem mình như là những đối tượng và phản ứng lại với mình cũng như là những đối tượng, các cá đang học cách tương tác với bản thân mình, hay học cách tư duy. Trong lúc tư duy, con người nhào nặn ra nghĩa của những đối tượng, bằng cách chấp nhận, bác bỏ, hay thay đổi chúng cho phù hợp với những định nghĩa ấy và những hành vi theo sau. Rồi sau đó, hành vi là một sự tác động qua lại giữa các kích thích xã hội và những phản ứng lại các kích thích ấy. Khi đưa ra khẳng định này, các nhà tương tác luận mang lấy một hình ảnh ý chí luận của hành vi con người. Họ cho rằng con người ta rèn luyện một yếu tố tự chủ quan trọng trong những hành động của mình. Đồng thời, các nhà tương tác luận hiểu rằng một loạt các nhân tố xã hội như: ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc, tính sắc tộc, tầng lớp xã hội, và giới cưỡng ép các lý giải và các hành vi của con người ta. Vì thế, các nhà tương tác luận có thể được xem là những nhà duy nhiên cẩn trọng hay các nhà quyết định luận ôn hòa; họ tiền-thiết định rằng các hành động của con người chịu ảnh hưởng chứ không phải là bị quy định bởi những sự kiện trước đó hay bởi những lực xã hội hay những lực sinh học.
Con người là những sinh vật hành động trong những hoàn cảnh và theo những hoàn cảnh có chủ đích. Theo các nhà tương tác luận, con người không thể nào thoát khỏi hành vi của mình, như độ căng trong một thanh lò xo, trong sự phản ứng lại những xung năng sinh học, những nhu cầu tâm lý hay những mong đợi xã hội. Nói đúng hơn, con người hành động theo những hoàn cảnh. Nói cách khác, con người kiến tạo hành vi dựa trên nghĩa mà họ gán cho cái hoàn cảnh đặc thù trong đó họ nhận ra chính mình. Nghĩa, hay sự định nghĩa về hoàn cảnh, này nảy sinh từ những sự tương tác đương diễn ra với người khác. Tức là, con người xác định nghĩa nào được gán cho một hoàn cảnh và cách thức hành động theo hoàn cảnh qua việc họ xét tới những ý đồ, những hành động và những thể hiện của người khác đang bộc lộ ra. Các tác nhân (actors) nhận lấy, thương lượng và xác lập những định nghĩa về một hoàn cảnh thông qua các tiến trình của sự tương tác biểu trưng.
Xã hội người là ở chỗ con người ta tham gia vào sự tương tác biểu trưng. Các nhà tương tác luận khác với các nhà xã hội học khác trong quan niệm của mình về xã hội và mối quan hệ giữa xã hội với cá nhân. Theo Blumer, các nhà tương tác luận quan niệm xã hội như là một quá trình hay thay đổi nhưng được cấu trúc hóa, đó chính là quá trình các cá nhân đang tương tác với nhau. Quá trình này được có căn cứ ở năng lực giả định những viễn tượng của nhau, điều chỉnh và phối kết những hành vi đang bộc lộ ra, và năng lực giao tiếp về mặt biểu trưng và lý giải những hành vi giao tiếp này nơi các cá nhân. Việc nhấn mạnh xã hội chính là con người hành động và tương tác trên bình diện biểu trưng cho thấy các nhà tương tác luận không cùng quan điểm với các lý thuyết tâm lý học ở chỗ các thuyết này xem xã hội như là cái hiện hữu tiên khởi trong đầu ta, hoặc dưới dạng những lịch sử thưởng phạt (reward histories) hoặc dưới dạng những nhận thức được định hướng về mặt xã hội. Các nhà tương tác luận cũng rời khỏi những viễn tượng cấu trúc luận, là những viễn tượng xem xã hội là một tồn tại vật chất khi cho rằng xã hội tồn tại độc lập với các cá nhân và quy định các hành động thông qua những quy tắc, những vai trò, những vị thế, hay những cấu trúc mà nó áp đặt. Trong khi thừa nhận rằng những cá nhân được sinh ra trong một xã hội, vốn là cái định ra khung khổ cho những hành động qua các mô hình về nghĩa và sự thưởng phạt, thì các nhà tương tác luận nhấn mạnh rằng con người chủ động định hình những bản sắc và những hành vi trong việc đưa ra những bản thiết kế, tìm kiếm những mục tiêu, và tương tác với người khác trong những hoàn cảnh riêng biệt. Họ cũng nhấn mạnh rằng xã hội và cấu trúc là những sản phẩm của con người, được xây dựng trên sự hành động chung (joint action). Vì thế, như Charles Horton Cooley lưu ý trong Bản tính con người và trật tự xã hội (Human Nature and Social Order), “xã hộicá nhân không biểu thị những hiện tượng tách riêng” (1902: 36-37). Con người sở đắc tính cá nhân (hay tính bản ngã) của mình, hiện thực hóa chúng qua sự tương tác, và đồng thời duy trì hay làm biến cải xã hội.
Hành vi xã hội hẳn là đơn vị nền tảng nhất của sự phân tích tâm lý học. Các nhà tương tác luận đồng lòng rằng hành vi xã hội, hay cái mà Blumer gọi là sự hành động chung, phải là mối quan tâm chính của tâm lý học xã hội. Một hành vi xã hội là hành vi xét đoán theo cách nào đó về những người khác và được dẫn dắt bởi những gì họ làm; nó được hình thành sao cho phù hợp với hành vi của người khác, nhóm khác, hay tổ chức xã hội khác. Nó phụ thuộc vào các quá trình giao tiếp và lý giải và cũng xuất hiện thông qua các quá trình này.
Điều này che đậy một loạt hành vi khác nhau của con người, từ cái bắt tay thân mật, cái hôn, cái nháy mắt, và trận đấu tay đôi cho đến buổi tiệc bia, trò chơi đá bóng, và sự gầy dựng lại niềm tin tôn giáo. Mỗi khi con người ta hướng mình đến với những người khác và những hành động của họ, không nghĩ đến việc có phải họ đang cố gắng làm tổn thương người khác, giúp đỡ người khác, làm biến đổi hay hủy diệt người khác hay không, là họ tiến hành một hành vi xã hội. Các cá nhân cố gắng làm cho những cách xử sự của mình tương xứng và phù hợp với người khác. Khi làm như vậy, họ có thể hành động như là những cá nhân hay như là những đại diện của một nhóm hay một tổ chức như nhà thờ, trường đại học, tập đoàn, hay chính quyền. Bằng việc đặt tiêu điểm vào các hành vi xã hội, các nhà tương tác luận không bị giới hạn vào việc khảo sát hành vi của những cá nhân hay thậm chí của những nhóm nhỏ, mà còn xét đến cả ứng xử xã hội của các đám đông, các ngành công nghiệp, các đảng phái chính trị, các trường học, các bệnh viện, các giáo phái tôn giáo, các nhóm nghề nghiệp, các phong trào xã hội, và truyền thông đại chúng. Được Blumer khơi nguồn cảm hứng, các nhà tương tác luận xem lĩnh vực xã hội học – và tổng quát hơn là khoa học xã hội – như là “được cấu tạo một cách chính xác bởi việc nghiên cứu về hành động chung và các tập thể tham gia vào hành động chung” (1969: 17)
Để hiểu những hành vi xã hội của con người, các nhà xã hội học cần phải sử dụng những phương pháp cho phép nhận biết tường tận các nghĩa mà con người gán cho những hành động này. Như đã lưu ý, các nhà tương tác luận nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện rằng con người, với tư cách là những sinh vật biết dùng các biểu trưng, hành động trên cơ sở các nghĩa mà họ gán cho các sự vật trong thế giới của mình. Đến lượt mình, các nhà tương tác luận tin rằng điều thiết yếu là phải hiểu các thế giới ấy của nghĩa và phải xem chúng như là những cá nhân hay những nhóm đang điều tra xem xét mình. Để phát triển cái nhìn của người trong cuộc này, các nhà nghiên cứu phải đồng cảm với – hay “nhập vai vào” – các cá nhân hay các nhóm mà mình nghiên cứu. Họ cũng phải quan sát và tương tác với các cá nhân hay các nhóm này một cách kín đáo. Qua việc thừa nhận một tiếp cận như vậy, các nhà nghiên cứu có thể có được một sự đánh giá sâu sắc hơn về việc các tác nhân xã hội này định nghĩa, kiến tạo và hành động theo những thực tại cấu tạo nên những thế giới hằng ngày của mình như thế nào.
(Bryan S. Turner (general editor). 2006. The Cambridge Dictionary of Sociology. New York: Cambridge University Press, pp. 619-621.)
Đinh Hồng Phúc dịch, http://www.doxa.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét