ĐA DẠNG VĂN HÓA LÀ TÀI SẢN CHUNG CỦA NHÂN LOẠI
(Nguồn: vietbao.com)
Hội nghị "Dự thảo Công ước về bảo vệ sự đa dạng các nội dung văn hóa và biểu đạt nghệ thuật" do Ủy ban quốc gia UNESCO VN tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội. Khẳng định sự cần thiết của dự thảo như một công cụ pháp lý, các học giả tham dự hội nghị cũng đề xuất những kiến nghị, góp ý trên cơ sở thực tế của VN.
Ông Chu Shiu-kee, đại diện UNESCO tại VN: Đa dạng văn hóa là di sản chung của nhân loại đã được khẳng định trong lời nói đầu của dự thảo, nhằm đánh thức sự quan tâm của các quốc gia thành viên vai trò, giá trị của sự đa dạng văn hóa đối với sự tồn tại, hưng, vong của nhân loại.
Theo đó, để thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực các quốc gia phải thừa nhận và hỗ trợ đa dạng văn hóa, nâng cao năng lực của các quốc gia trong việc hoạch định các chính sách văn hóa để bảo vệ và thúc đẩy nội dung văn hóa và biểu đạt nghệ thuật, đảm bảo phát triển kinh tế và văn hóa luôn song hành. Và, Công ước như là một công cụ chuẩn ràng buộc các quốc gia thực hiện cam kết có tổ chức.
Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Việt Nam :
Bảo vệ sự đa dạng văn hóa là tạo nội lực để giao lưu với các nền văn hóa khác, tiếp nhận một cách khoan dung các giá trị văn hóa, sáng tạo nên các giá trị văn hóa mới làm phong phú vốn văn hóa của mỗi quốc gia.
Muốn thực hiện tốt điều này, từng quốc gia phải có chính sách phù hợp để thúc đẩy việc bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc và giao lưu quốc tế. Vì thế, Công ước này sẽ dễ được người VN chấp nhận vì phù hợp với chiến lược phát triển văn hóa của VN.
Giáo sư Vũ Khiêu:
Tính đa dạng văn hóa đã từ lâu trở thành điều kiện tồn tại và phát triển không chỉ của văn hóa mà còn của bản thân dân tộc. VN có 54 dân tộc anh em cùng chung sống có những nét riêng biệt về ngôn ngữ, phong tục tập quán, sinh hoạt vật chất...
Trải qua hàng ngàn năm chung sống với nhau, những dân tộc và tộc người anh em ấy đã không đánh mất bản sắc văn hóa mà còn phát huy tính đa dạng của mình. Bản sắc và tính đa dạng ấy không tạo nên ở họ một hàng rào khép kín, ngược lại họ luôn luôn tự coi mình như những thành viên trong máu thịt của cộng đồng VN.
Điều khiến họ gắn kết với nhau chính là giá trị phổ biến mang tính nhân loại, những giá trị đã trở thành cốt lõi của văn hóa VN, những mục tiêu phấn đấu chi phối lý tưởng sống và hành vi ứng xử của con người VN.
Riêng về mặt giao lưu văn hóa, dân tộc VN đã gặp gỡ, trao đổi với rất nhiều nền văn minh trong khu vực và trên thế giới, đã tiếp thu được rất nhiều nhân tố tích cực từ nước ngoài và không hề bị đồng hóa. Ngược lại, sự giao lưu ấy đã góp phần làm cho tính đa dạng của văn hóa Việt Nam ngày càng phong phú và bền vững.
Giáo sư Tô Ngọc Thanh: Cần phải đưa vào công ước một điều lệ tính thống nhất trong mối quan hệ với đa dạng văn hóa: Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia... là những quốc gia có nền văn hóa đa dạng, trong quá trình phát triển xã hội, sự đa dạng ấy không mất đi mà ngày càng được tôn vinh là nhờ tính thống nhất trong chiến lược quản lý và phát triển văn hóa nói chung.
Riêng đối với Việt Nam , ngoài những chính sách ưu đãi phát triển văn hóa mang tính khu vực, việc tổ chức những ngày văn hóa Chăm, Khmer, Tây Bắc, Đông Bắc... ở Hà Nội và một số tỉnh, thành thời gian qua chính là một cách khơi dậy bản sắc văn hóa riêng đặc sắc của các dân tộc, tộc người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam .
Bảo vệ đa dạng văn hóa, Công ước cần có cánh cửa mở cho các quốc gia thành viên, tôn trọng cách xử lý của mỗi quốc gia dựa trên cơ sở thực tế, hoàn cảnh lịch sử của từng nước.
Giáo sư Trần Quốc Vượng: Chấp nhận đa dạng văn hóa phải trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các nền văn hóa khác trong quá trình giao lưu hội nhập. Mỗi quốc gia có đặc điểm tự nhiên, xã hội, trình độ phát triển khác nhau nên đương nhiên bên cạnh những chính sách chung, yêu cầu chung mang tính nhân loại rất cần có những chính sách bảo vệ và phát triển đa dạng văn hóa của riêng mình.
Vì thế, "Cánh cửa mở" trong Công ước là một cách tôn trọng nền văn hóa cũng như chính sách phát triển, bảo vệ đa dạng văn hóa sau khi Công ước có hiệu lực trên phạm vi toàn cầu.
Nhìn vào thực tế, không phải chỉ VN có Nhã nhạc cung đình, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đều có, nhưng trong nhiều thế kỷ giao lưu, tiếp nhận và biến chuyển để tạo nên tính đặc thù riêng, những giá trị nội hàm và ngoại hàm của Nhã nhạc cung đình Huế đã trở thành tài sản quý riêng có ở VN. Và, chính giá trị đặc biệt riêng ấy đã đưa Nhã nhạc VN vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Đối thoại giữa các nền văn minh đang là yêu cầu quan trọng bậc nhất của sự phát triển tính đa dạng văn hóa nhưng nó lại diễn ra giữa một bên có ưu thế tuyệt đối về kinh tế và văn hóa với bên kia là những người còn thiếu thốn về mọi mặt trên lĩnh vực văn hóa, họ không có điều kiện và phương tiện cần thiết để tiếp cận những phát minh ngày càng kỳ diệu của nhân loại.
Điều 16 và 17 của dự thảo Công ước đã nêu lên tình hình, sự hạn chế của các nước đang phát triển và đòi hỏi sự quan tâm của các nước phát triển. Theo đó, quyền ưu đãi dành cho các nước đang phát triển (Điều 17) được ghi rõ: "Các nước phát triển cần tạo thuận lợi cho việc giao lưu văn hóa với các nước đang và kém phát triển bằng cách dành sự đối xử ưu đãi thích hợp đối với các chuyên gia, các nhà nghệ thuật các nhà sáng tạo của các nước đang phát triển và chậm phát triển, cũng như đối với các sản phẩm và dịch vụ văn hóa của nước nhà".
Riêng vấn đề tự do trong biểu đạt văn hóa và nghệ thuật được nhấn mạnh trong, dự thảo, các học giả VN đều thống nhất quan điểm: Tự do của cá nhân không được xâm phạm đến lợi ích chung của cộng đồng, của dân tộc và của nhân loại. Tự do của một cá nhân gắn liền với trách nhiệm của cá nhân đó với xã hội với cộng đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét