Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

TOÀN CẦU HÓA VÀ SỰ ĐA DẠNG VĂN HÓA

Toàn cầu hoá và sự đa dạng văn hoá


Dương Thuấn, Mai Văn Hai

Văn hoá Việt Nam đang có nguy cơ bị văn hoá nước ngoài lấn át và mất dần đi bản sắc dân tộc! Đã có không ít bài viết cảnh báo về vấn đề này và bày tỏ sự quan ngại đó. Thực tế có đáng lo như vậy hay không? Trước tình hình toàn cầu hoá nhanh chóng như hiện nay, hội nhập là tất yếu, không có con đường nào khác nếu muốn phát triển. Để làm sáng tỏ về vấn đề này, chúng tôi muốn nói đến việc toàn cầu hoá và sự đa dạng văn hoá.
1. Từ cái chung đến cái khác biệt
Chúng ta đều biết, ngày 12 tháng 2 năm 2001 giới khoa học sau nhiều năm nghiên cứu đã công bố bản đồ gien người: có 99,9% số gien trong tất cả mọi người trên trái đất - dù họ thuộc quốc gia hay dân tộc nào - đều giống nhau. Và một điều mà bằng quan sát ai cũng có thể biết được, đó là để có thể tồn tại được thì tất cả mọi người trên trái đất - cũng bất luận họ ở quốc gia hay dân tộc nào - đều có nhu cầu chung là phải ăn, mặc, tìm nơi ở và tổ chức đời sống cộng đồng. Như vậy từ cơ sở sinh học đến các nhu cầu xã hội thì cái phần chung, phần giống nhau của mọi người là rất lớn.
Tuy nhiên, trong khi giải quyết các nhu cầu đầu tiên mang tính phổ biến này, mỗi cộng đồng người, dựa trên thực tiễn kinh nghiệm của mình, lại có một cách lựa chọn riêng, được biểu hiện thành lối sống, một cách ứng xử, và tất cả những điều đó tạo nên bản sắc riêng của họ.
Chẳng hạn, ăn là một nhu cầu nhằm duy trì sự sống, song trong khi các sắc dân du mục chủ yếu là ăn thịt thì thì dân trồng trọt lại ăn nhiều ngũ cốc và các thứ rau quả khác. Về mặc, ta thấy người cực Bắc hầu như quanh năm phải khoác áo lông thú và đi giày ấm, thì người phương Nam, nhất là khu vực quanh xích đạo, người ta chỉ mang áo đơn, áo cánh, thậm chí nhiều lúc đi chân đất và ở trần. Nơi ở cũng vậy, nếu như dân xứ lạnh quen làm nhà theo kiểu trần thấp, tường dày, cửa nhỏ để giữ hơi ấm thì dân nhiệt đới lại thích làm nhà cao, cửa rộng với hàng hiên rộng dài cho thoáng mát và dễ giao hoà với cỏ cây, hoa lá.
Để có thể tồn tại và phát triển, không có xã hội nào không phải bắt đầu từ các công việc rất giống nhau là phải làm nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Nhưng quá trình thực hành các công việc này lại mỗi nơi một khác. Cũng nhằm một mục đích chung là sản xuất lương thực, thực phẩm nhưng chỗ này chăn nuôi, chỗ kia trồng trọt. Hay cùng một nghề trồng trọt mà nơi thì trọng quảng canh, nơi có truyền thống thâm canh, và nơi khác nữa lại kết hợp cả quảng canh lẫn thâm canh. Từ góc độ tổ chức cộng đồng và lối sống ta cũng thấy có tình trạng tương tự. Bảo vệ an ninh và duy trì sự cố kết giữa các thành viên là mục tiêu mà xã hội nào cũng không nằm ngoài quy luật chung đó: nhu cầu chỉ có một, mà biểu hiện thì vô vàn. Có xã hội theo mẫu hệ, có xã hội theo phụ hệ. Và không ít xã hội khác nữa có hình thức không hẳn mẫu hệ cũng không hẳn phụ hệ, v.v...
2. Từ sự khác biệt thấy ra sự giống nhau
Ngược lại, qua những biểu hiện muôn hình ngàn vẻ của văn hoá, người ta cũng có thể lần ra chỗ giống nhau, hay là tính đồng nhất và hằng xuyên của chúng. Các tài liệu nhân học và khảo cổ học chỉ ra rằng, ngay từ thời cổ đại, có nhiều tộc người sống rất xa nhau, nghĩa là giữa họ không hề có một sự giao lưu nào về văn hoá, song cộng đồng nào cũng chế tác được một loại xe riêng, và điều thú vị là không có ở đâu con người lại tạo ra chiếc bánh xe vuông, vì người ta đều hiểu làm như thế xe sẽ không chạy được. Khi xem những bộ sưu tập về các công cụ sản xuất và chiến đấu của các tộc người hết sức khác nhau trong các viện bảo tàng về dân tộc học như rìu, búa, dao, kéo, cưa, cặp, kim, giáo, mũi tên, người ta cũng thấy rõ sự giống nhau của chúng, còn sự khác nhau chỉ ở một vài chi tiết nhỏ.
Một nhận xét của E. B. Tylor về sự giống nhau giữa các nền văn hoá: “Chúng ta cũng thấy như vậy (thấy những nét giống nhau) ở những công việc của người hoang dã: những đồ gỗ dựng nhà, những tấm lưới bắt cá hay những cần câu, những cái tên hay những giáo đi săn, những cách thức tạo ra lửa, nấu nướng thức ăn bằng lửa, những kiểu bện thừng và đan giỏ, được lặp đi lặp lại giống nhau kỳ lạ ở các mẫu của tất cả các bộ sưu tập minh hoạ cho sinh hoạt của các xã hội lạc hậu từ Kamchatka đến Đất Lửa, từ Dahomey đến quần đảo Hawaii.” ( E. B. Tylor, “Văn hoá nguyên thuỷ”, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội, 2000, trang 18-19)
Có thể dẫn chứng gần gũi hơn là những nét giống nhau trong tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam:
Về sự đoàn kết:
Nhiều chống càng tốt
Nhiều cột càng bền
(Tục ngữ Thái)
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
(Tục ngữ Kinh)
Về quan hệ ứng xử:
Chồng mắng thì vợ nhịn lời
Vợ giận, chồng lại lả lơi làm lành

(Tục ngữ Thái)
Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi nhỏ lửa, một đời không khê
(Tục ngữ Kinh)

Về tình yêu nam nữ:
Khi lòng dạ đã thương

Cởi áo cho nhau mặc
(Dân ca Vân Kiều)
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay
(Dân ca Kinh)
Thân em như con từ quy
Đêm thì họp bạn, ngày thì đi đâu
(Dân ca Mường)
Thân em như lá đài bi

Ngày thì dãi nắng, đêm thì dầm sương

(Dân ca Kinh)
Về kinh nghiệm đồng áng:
Ruộng chờ mạ
Ruộng kỹ càng tốt
Mạ chờ ruộng
Mạ muộn chẳng được hạt nào
(Tục ngữ Tày)
Tua rua thì mặc tua rua
Mạ già, ruộng ngấu không thua bạn điền
(Tục ngữ Kinh)
3. Tại sao có sự khác biệt giữa các nền văn hoá
Từ trước đến nay người ta đã viện dẫn rất nhiều lý do để giải thích về sự khác biệt giữa các nền văn hoá, đó là sự khác nhau về chủng tộc, sự cách xa về không gian địa lý, sự không đồng nhất về khí hậu, đất đai, sự chế định của những điều kiện kinh tế - xã hội, và bao trùm lên hết thảy là do năng lực sáng tạo của con người. Ở đây chúng tôi chỉ nhấn mạnh thêm rằng nhiều khi chính bản thân sự gần gũi hay sự đồng nhất cũng trở thành lý do quan trọng làm nảy sinh sự khác biệt. Ấy là khi người ta muốn có sự đối lập nhau, phân biệt nhau, nhằm khẳng định bản thể, để được là chính mình. Nhà nhân học Lévi-Strauss nói rằng có “nhiều tập quán đã nảy sinh không phải từ một sự cần thiết nội tại hay một sự cố thuận lợi nào đó, mà chỉ từ ý muốn không phụ thuộc vào một nhóm bên cạnh” (Lévi-Strauss, Chủng tộc và lịch sử, Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Hà Nội, 1996, trang 16).
Bàn về tính đa dạng của văn hoá, ông còn viết: “Vấn đề tính đa dạng không chỉ đặt ra đối với những nền văn hoá được xem xét trong những quan hệ qua lại của chúng; vấn đề này cũng đặt ra bên trong mỗi xã hội, trong tất cả các nhóm tạo thành xã hội đó: các đẳng cấp, các giai cấp, các giới nghề nghiệp hay tín ngưỡng,v.v... với sự phát triển của những sự khác nhau mà mỗi nhóm đó coi là hết sức quan trọng.” (Lévi-Strauss, Sđd).
Mối quan hệ vừa thống nhất vừa đa dạng của văn hoá có thể tương ứng với mối quan hệ biện chứng giữa hai phạm trù cái chung và cái riêng trong triết học. Trong mối quan hệ này, cái chung là những mặt, những thuộc tính có ý nghĩa phổ biến và tham gia trực tiếp vào trong cái riêng, chứ không có cái chung nào tồn tại một cách độc lập bên ngoài cái riêng. Điều này có nghĩa là chỉ có những thuộc tính văn hoá chung của nhân loại, chứ không có cái gọi là nền văn hoá nhân loại tồn tại một cách độc lập, bên cạnh văn hoá dân tộc và văn hoá nhóm. Nói cách khác là thuộc tính chung nhân loại của văn hoá không bao quát toàn bộ, mà chỉ là một phần của của các nền văn hoá dân tộc hay văn hoá nhóm, ngoài những phần, những bộ phận có ý nghĩa phổ biến toàn nhân loại, thì chúng vẫn bảo lưu những nét riêng đặc thù và độc đáo, tạo thành bản sắc của dân tộc hay nhóm.
4. Toàn cầu hoá có thủ tiêu sự khác biệt giữa các nền văn hoá?
Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, mối quan hệ vừa thống nhất vừa đa dạng của văn hoá đang nổi lên như một vấn đề thời sự nóng hổi. Người ta lo ngại là kết quả của toàn cầu hoá có thể làm nảy sinh một nền văn hoá toàn cầu, mà biểu hiện cụ thể là sự xuất hiện các đơn vị văn hoá chung đối với mọi nước (như mốt, thể thao, du lịch, văn hoá đại chúng). Một nước phát triển như nước Pháp - nơi đã từng sản sinh ra những Descartes, Racine, Baudelaire, Victor Hugo, nơi từng đứng đầu về tư tưởng, khoa học và nghệ thuật - cũng đang bị xâm chiếm bởi các loại nhạc rock, rap, pop, phim ảnh Hollywood, quần jean, áo thun, thức ăn nhanh McDonald, bánh Pizza, gà rán Kentucky, v.v... Trong khi đó, những thành tựu riêng mà các dân tộc đã đạt được như văn học nghệ thuật, triết học, khoa học, thông qua các phương tiện kỹ thuật hiện đại lại đang vượt qua biên giới quốc gia để trở thành tài sản chung của nhân loại. Theo xu hướng ấy, toàn cầu hoá là đồng nghĩa với sự thủ tiêu tính đa dạng của các nền văn hoá khác nhau.
Nhưng cần nhớ rằng toàn cầu hoá là một quá trình diễn ra không đồng đều, ở đó các nước giàu chiếm vị trí thủ lĩnh và là kẻ chiến thắng, trong khi các nước nghèo lại trở nên nghèo hơn nữa. Do đó, phong trào chống lại toàn cầu hoá cũng đang ngày một tăng lên, từ các lực lượng khác nhau, tại các khu vực, các dân tộc, các vùng khác nhau. Chúng ta có thể nhận thấy rõ điều này tại các hội nghị toàn cầu ở Seattle, Prague hay Davos.
Như vậy toàn cầu hoá, trong khi làm xuất hiện sự tích hợp và thống nhất văn hoá trên phạm vi toàn cầu, thì đồng thời cũng kéo theo nó sự phân hoá về văn hoá một cách sâu sắc nhất. Lévi-Strauss từng nhận xét: “Loài người thường xuyên nằm giữa hai quá trình mâu thuẫn nhau, một quá trình hướng tới thiết lập sự thống nhất, còn quá trình kia thì nhằm duy trì hoặc khôi phục sự khác nhau, đây chính là hai cách mạnh lên khác nhau” (Lévi-Strauss, Sđd, trang 98). Còn một nhà nghiên cứu khác, giáo sư Roninglehart thì nói, đại ý: một người Nga, Tây Ban Nha hay Trung Quốc khi mặc quần jean và cầm trên tay lon Coca-Cola thì họ vẫn cứ là Nga, Tây Ban Nha hay Trung Quốc. Còn đối với nước ta, sau hơn một trăm năm bỏ áo nâu giày vải, đi giày tây mặc âu phục thì ta vẫn là người Việt Nam...
Người ta nói rằng biểu thị sinh động cho sự phân hoá này là sự ra đời của hàng loạt các khái niệm: nền văn minh, văn hoá khu vực, văn hoá dân tộc, văn hoá vùng. Sự cọ sát giữa các nền văn hoá sẽ làm cho văn hoá các dân tộc trên thế giới phát triển hơn mà thôi. Như vậy, chúng ta có nên quá lo lắng cho việc hội nhập sẽ mất đi bản sắc dân tộc hay không?
(Nguồn: http://www.chungta.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét